Hydroquinon – Một hoạt chất điều trị nám hiệu quả nhưng quá nhiều tranh cãi

Là thành phần xuất hiện rất nhiều trong các loại kem trị nám, tàn nhang và các sản phẩm trắng da, Hydroquinon được xem là “cứu cánh” để điều trị các vấn đề về sắc tố. Tuy nhiên, hoạt chất này lại khiến nhiều người hoài nghi vì một số tác dụng phụ không mong muốn.

Hydroquinone là gì?

Hydroquinone thường được biết đến với tên dihydroxybenzen, là một hợp chất hydroxyphenolic có cấu trúc tương tự với tiền chất của melanin. Hydroquinone ức chế quá trình chuyển đổi dopamine thành melanin bằng cách ức chế enzyme tyrosinase.

Các bác sĩ thường kê đơn thuốc có chứa chất Hydroquinone vì nó được biết đến rộng rãi như một tác nhân làm mất sắc tố gây đậm màu trên da và là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh nám, tàn nhang, đặc biệt đối với trường hợp bị nám ở lớp biểu bì. Hydroquinone được bào chế dưới dạng thuốc bôi với nồng độ 2 – 4% để sử dụng hàng ngày trong điều trị nám.

Hydroquinone hoạt động trên da như thế nào?

Quá trình ngăn cản hình thành sắc tố trên da của hydroquinone có thể được mô tả ngắn gọn như sau: Melanocyte là những tế bào tạo sắc tố (sắc tố – hay còn gọi là melanin) ở lớp đáy biểu bì, những tế bào này có nhiều tua dài vươn lên lớp tế bào trên cùng của biểu bì để đưa các túi chứa melanin lên đây.

Melanin đóng vai trò bảo vệ da khỏi tác động của tia tử ngoại, đó là lý do tại sao sau khi ra nắng da của bạn sẽ bị đen đi, những người da trắng do có ít túi chứa melanin hơn nên khi ra nắng da thường chỉ bị bỏng nắng chứ không đen, và nếu tiếp xúc với nắng lâu dài mà không được bảo vệ những “vệ binh” melanin này, bạn sẽ rất dễ bị ung thư da. Melanin được tạo thành chỉ khi có mặt một enzyme có tên là tyrosinase, và hydroquinone là chất làm bất hoạt emzyme này. Không có tyrosinase, sẽ không có melanin.

Sự vắng mặt của melanin sẽ làm da bạn trắng hơn, điều này được trả giá bằng việc da bạn sẽ không được bảo vệ bằng cơ chế tự nhiên của nó nữa.

Những tranh cãi xung quanh vấn đề an toàn của hydroquinone

Theo FDA, năm 1982, hydroquinone nồng độ dưới 2% được đánh giá là an toàn. Nhưng đến 2006 FDA lại đề nghị rút lại công bố từ 1986 về độ an toàn của hydroquinone, sau một số nghiên cứu cho rằng hydroquinone thẩm thấu qua da gây nên bệnh lý ở gan và thận của chuột. Tuy nhiên cho tới hiện tại thì vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định hydroquinone có khả năng gây nên các biến đổi bệnh lý ở người, do vậy hiện chưa có kết luận chính thức nào từ FDA.

Trong năm 2006, Viện Da liễu Hoa Kỳ kiến nghị với FDA rằng hydroquinone nồng độ 4% sử dụng dưới sự kiểm soát của bác sĩ là an toàn và có hiệu quả trong việc điều trị các rối loạn tăng sắc tố da (mà trong thực tế thì bất cứ sản phẩm nào có chứa hydroquinone trên 2% bạn đều phải đến bác sĩ chứ không còn là việc mình tự quyết nữa rồi).

Theo báo cáo gần nhất của Cosmetic Ingredient Review (CIR) vào năm 2014, nồng độ an toàn cho phép của Hydroquinone trong mỹ phẩm là từ 1% trở xuống nhưng không được dùng liên tục trong một thời gian dài. Cũng theo báo cáo này, kể cả với nồng độ và cách dùng như vậy thì hydroquinone cũng chỉ an toàn khi sử dụng ở những dạng mỹ phẩm không lưu lại lâu trên da (như các sản phẩm tẩy rửa chẳng hạn). Ngoài ra, trong các sản phẩm chăm sóc móng thì hydroquinone vẫn được ghi nhận là an toàn.

Sử dụng hydroquinone như thế nào là an toàn?

  • Tần suất sử dụng: 1-2 lần/ngày.
  • Test thử trước khi dùng toàn mặt: bôi thử một lượng vừa đủ hydroquinone lên vùng quai hàm hoặc vùng da cổ tay và theo dõi, nếu trong 24h tại chỗ bôi xuất hiện tình trạng đỏ, ngứa, nóng rát hay nổi sẩn, mụn nước thì có nghĩa bạn không hợp với hydroquinone rồi, hãy ngưng dùng. Ngoài ra, trong suốt quá trình sử dụng, nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào của sự kích ứng bạn nên tạm ngưng sử dụng.
  • Dùng 4 tháng, ngưng 4 tháng: là cách để khắc phục chứng ochronosis, một triệu chứng da bị thay đổi sắc tố do sử dụng hydroquinone dài ngày, biểu hiện bằng những mảng da trở nên xanh tím, hoặc trắng loang lổ do mất sắc tố và rất khó hồi phục.
  • Không dùng chung với resorcinol: resorcinol là một chất bong sừng nhẹ, thường được dùng trong các sản phẩm trị mụn và nhuộm tóc. Sử dụng chung resorcinol và hydroquinone làm da dễ bị xanh tím hơn.
  • Không dùng chung với benzoyl peroxide hay bất cứ sản phẩm nào có khả năng cung cấp oxy: Oxy khi kết hợp với hydroquinone sẽ làm nhuộm màu da tức thời, xử trí hiện tượng bằng cách rửa sạch với nước hoặc xà phòng. Benzoyl peroxide cung cấp oxy để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, một số chất cung cấp oxy cần tránh dùng chung với hydroquinone có thể kể ra đây như là oxy già, các mặt nạ oxy hay các liệu pháp chăm sóc da cung cấp oxy.
  • Tránh bôi ngay gần mắt: hydroquinone không nên bôi xung quanh những vùng da quanh mắt, miệng hay niêm mạc.
    Luôn chống nắng: Luôn luôn chống nắng cho da, đặc biệt lựa chọn kem chống nắng SPF từ 30 trở lên, hạn chế ra nắng càng ít càng tốt.

Phương pháp trị nám nào thay thế được hydroquinone?

Axit azelaic là một loại kem không hydroquinone có thể được sử dụng để điều trị nám. Với lượng 15% -20% axit azelaic rất hiệu quả và an toàn trong trị nám, mặc dù kết quả tổng thể ít ấn tượng hơn so với khi chúng ta dùng 4% hydroquinone. Tác dụng phụ nhỏ có thể bao gồm ngứa, ban đỏ, da tróc vảy và cảm giác bỏng tạm thời có xu hướng phát triển sau 14-30 ngày sử dụng.

Kem tretinoin (Retin A, Renova, Retin A Micro) là một loại kem không có hydroquinone dùng để điều trị nám. Thông thường, tretinoin được sử dụng kết hợp với các loại kem khác như axit azelaic hoặc hydroquinone. Tác dụng phụ nhẹ khá phổ biến bao gồm lột da, da khô và kích ứng. Nhìn chung, khi điều trị bằng tretinoin thì tình trạng nám sẽ có những chuyển biến chậm hơn so với khi dùng hydroquinone.

Các loại kem retinoid khác có thể bao gồm tazaratone và adapelene. Đây là những loại kem theo toa được sử dụng nhiều như tretinoin (Retin A).

Với những thông tin trên hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu biết thêm về hoạt chất mang công dụng thần kì trong điều trị nám da này. Và nếu đang gặp phải tình trạng da nám thì tốt nhất đừng tự ý sử dụng bất kì sản phẩm trị nám nào mà nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để nhận được lời khuyên cũng như cách điều trị phù hợp nhất.

Nguồn: Phòng khám trị nám

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.